Đình Bối Hà Chùa_Hà

Lịch sử

Đình Bối Hà thờ Thành hoàng làng là Triệu Chí Thành. Triệu Chí Thành là con của ông Triệu Xương và bà Lý Thị Thích, người Chu Diên trang Thái Bình (nay là huyện Mê Linh, huyện [Vĩnh Phúc]). Ngày 11 tháng 1 bà sinh hạ một cậu bé khôi ngô tuấn tú, tướng mạo lạ thường. Bấy giờ Triệu Việt Vương đóng đô ở Từ Liêm rồi rút về đầm Dạ Trạch để chống cự với quân của Trần Bá Tiên. Triệu Việt Vương được thần tiên Chử Đồng Tử ban cho móng rồng để chế tác nỏ thần đánh đuổi quân Lương. Triệu Chí Thành được trao chế tác nỏ, nỏ bắn bách phát bách trúng, mỗi lần bắn tiêu diệt hàng trăm quân địch, vì vậy tướng Dương Sằn đã bị bắn chết. Quân Lương đại bại chạy về Bắc quốc năm 550.

Sau khi dẹp yên quân Lương, Triệu Chí Thành lâm bệnh nặng, Triệu Việt Vương đến thăm và hỏi: Ngài cần gì trẫm sẽ báo đáp. Triệu Chí Thành trả lời: Thần không có ý nguyện gì, chỉ xin bệ hạ đem cờ tướng lệnh đã ban cho thần đến Thạch Bàn, Long Đầu tung lên trời, cờ bay đến đâu xin cho nhân dân ở đó được lập đền thờ và miễn mọi tô thuế lao dịch cho họ. Triệu Việt Vương vui vẻ nhận lời, ngày 12 tháng 8 năm đó liền sai đem cờ tướng lệnh đến Thạch Bàn, Long Đầu tung lên trời và Triệu Chí Thành cũng hóa. Cờ tướng lệnh bay tới trang Dịch Vọng Trung thì dừng lại, sứ thần biết tin về tâu với vua. Vua đã cho nhân dân địa phương lập đền thờ Triệu Chí Thành, gia phong là Đại Vương. Đền thờ Triệu Chí Thành nay là đình Thọ Tháp và đình Bối Hà thôn Dịch Vọng Trung. Như vậy đình Bối Hà được xây dựng từ năm 550 thời vua Triệu Việt Vương.

Đình Bối Hà do bị xuống cấp nghiêm trọng nên được nhân dân làng Bối Hà và tín thí thập phương xây lại khang trang, hoành tráng về kiến trúc nghệ thuật; tôn nghiêm về bài trí nội thất.

Kiến trúc

Đình Bối Hà kiến trúc theo kiểu chữ Đinh nhìn hướng Tây, tuân thủ quy luật âm dương: tiền quảng đại, hậu thần mật; tiền náo nhiệt, hậu túc tĩnh. Phía ngoài là thiên trụ, trên đắp phượng hoàng chầu tứ phương và hổ phù, nổi bật là câu đối Đền miếu huy hoàng, nhân kiệt địa linh thiên cổ mãi; Uy thần vời vợi, người khỏe của lắm vạn năm dài (Ảnh 9).

Bên cạnh thiên trụ là một nghi môn nhỏ, trên đề Bối Hà miếu (có khả năng đây là tên gọi đầu tiên của đình Bối Hà). Đi qua nghi môn vào sân đình, tiếp đến là thiên trụ thứ hai ngăn cách giữa sân lớn và sân nhỏ, đỉnh thiên trụ đắp nổi đôi nghê. Trên thiên trụ là đôi câu đối Thiên trụ vững vàng, đối diện Tản Viên ngời thắng cảnh; Đền thần vòi vọi, chảy hoài Tô Lịch tỏ danh lam (Ảnh 10). Đi từ sân lớn lên sân nhỏ ngước lên phía trên là nóc đình được đắp đôi rồng chầu mặt trời, đầu bờ nóc được khóa chặt bởi hai đầu rồng.

Đi qua những hàng cửa bức bàn bào trơn đóng bén là vào đại bái, sừng sững những hàng cột thiết mộc được treo những câu đối lòng máng nền gấm chữ đen. Đặc biệt ở gian giữa nổi bật bức hoành phi Thánh cung vạn tuế, dưới là câu đối nói về sự tích Triệu Chí Thành: Xem thế non sông lạ, Long Đỗ linh thiêng xây điện miếu; Dẹp Lương lập công to, Diên đô cờ phóng dựng đền thờ (Ảnh 11).

Về đồ tế khí, ngoài bát bửu, lư hương đồng, long ngai, bài vị thì đình Bối Hà còn có đôi hạc đứng vững chắc trên lưng rùa.

  • 9. Cổng đình Bối Hà
  • 10. Bên ngoài đình
  • 11. Bàn thờ chính trong đình
  • 12. Hóa vàng sau khi lễ chùa